Sắt là chất cần thiết cho sự phát triển và sức khỏe của trẻ, do đó, nhiều cha mẹ bổ sung chất này qua chế độ ăn uống và các sản phẩm sắt. Thế nhưng, không ít phụ huynh lại bổ sung sắt sai cách cho trẻ, dẫn đến những hệ lụy nghiêm trọng. Dưới đây là 4 sai lầm điển hình các cha mẹ thường mắc phải khi bổ sung sắt cho trẻ, cha mẹ hãy chú ý nhé!
Trẻ không thiếu sắt cũng bổ sung
Nhiều cha mẹ luôn có tâm lý “thừa hơn thiếu” nên bổ sung sắt cho trẻ ngay cả khi con không thiếu sắt. Thế nhưng, thừa sắt cũng đem lại những hậu quả nặng nề như thiếu sắt, do đó, cha mẹ cần quan sát biểu hiện của trẻ hoặc đưa trẻ đi khám để chắc chắn rằng con bị thiếu sắt rồi mới bổ sung.
Một số dấu hiệu nhận biết trẻ có khả năng thiếu máu thiếu sắt như xanh xao, nhất là ở lòng bàn tay, bàn chân, niêm mạc mắt, chậm chạp, mệt mỏi, ít đùa nghịch, kém tập trung, dễ buồn ngủ…
Bên cạnh đó, cha mẹ lưu ý không nên bổ sung sắt cho những trường hợp sau:
– Trẻ khỏe mạnh, ăn uống tốt, tươi tắn
– Trẻ có cân nặng đạt chuẩn
– Trẻ được bổ sung đầy đủ các thực phẩm giàu sắt như trứng, gan, cá, thịt…
– Trẻ được bú mẹ đầy đủ và uống sữa công thức có bổ sung sắt, phần lớn trẻ uống sữa công thức thì không cần bổ sung thêm các sản phẩm sắt
Nếu cha mẹ lo lắng con bị thiếu sắt thì nên đưa trẻ đi xét nghiệm để được chẩn đoán chính xác nhất.
Bổ sung sắt quá liều
Cha mẹ luôn lo sợ con bị thiếu dưỡng chất, ảnh hưởng đến sự phát triển, do đó, luôn tìm cách bổ sung thêm các hoạt chất cho trẻ. Mặc dù sắt rất cần thiết với trẻ, nhưng việc bổ sung quá liều có thể dẫn tới độc gan, thận và làm hỏng các cơ quan quan trọng của cơ thể.
Không chỉ do tâm lý, mà nhiều khi do chính sự chủ quan của cha mẹ cũng dẫn đến việc bổ sung quá liều sắt cho trẻ. Không đọc kỹ hướng dẫn về liều lượng, thường gian sử dụng hoặc do để thuốc sắt của người lớn không cẩn thận, khiến trẻ vô tình uống phải đều là những sai lầm điển hình dẫn đến tình trạng thừa sắt ở trẻ. Đặc biệt, ở một số trẻ mắc các bệnh lý về huyết sắc tố, khiến cho tình trạng hấp thu sắt nhiều hơn bình thường cũng sẽ dẫn đến thừa sắt ở trẻ.
Do đó, để tránh tình trạng này, trước hết cha mẹ cần bổ sung sắt cho trẻ đúng liều lượng: 11mg (đối với trẻ 7-11 tháng, 7mg với trẻ 1-3 tuổi. Đồng thời, cất cẩn thận những thuốc sắt của người lớn, tránh xa tầm tay của trẻ. Đặc biệt, nếu trẻ có bệnh lý về huyết sắc tố hoặc bệnh liên quan đến đường tiêu hóa, cha mẹ cũng cần lưu ý khi dùng sắt cho trẻ, tốt nhất nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng.
Bổ sung sắt cho trẻ trong thời gian quá dài
Một trong những sai lầm thường gặp ở cha mẹ khi bổ sung sắt cho con, đó là bổ sung trong thời gian quá dài. Điều này xảy ra có thể là do cha mẹ quên ngày bắt đầu sử dụng cho trẻ hoặc không được hướng dẫn cụ thể nên bổ sung trong khoảng thời gian bao lâu.
Nếu bổ sung sắt trong thời gian quá dài, lượng sắt được bổ sung vượt ngưỡng cho phép có thể gây độc cho trẻ, ảnh hưởng đến sức khỏe của bé. Vì vậy, cha mẹ cần lưu ý dùng đúng và đủ thời gian cho trẻ.
Đối với trẻ sinh đủ tháng, cơ thể trẻ có sẵn lượng sắt dự trự nhận được từ mẹ, do đó, trong 6 tháng đầu đời, trẻ không cần bổ sung mà mẹ bổ sung sắt để truyền sang cho con. Sau 6 tháng, cha mẹ có thể bổ sung liên tục cho trẻ cho đến khi con ăn từ 2 khẩu phần trở lên với các loại thực phẩm giàu sắt như ngũ cốc tăng cường sắt, thịt xay nhuyễn…
Đối với trẻ sinh non, cha mẹ có thể bắt đầu bổ sung sắt cho trẻ từ 2 tuần tuổi cho đến khi trẻ 1 tuổi.
Tuy nhiên, cha mẹ nên lựa chọn bổ sung sắt cho trẻ từ thực phẩm hàng ngày. Nếu bổ sung các sản phẩm sắt cho trẻ, cha mẹ cần đọc kĩ hướng dẫn sử dụng và bổ sung theo đợt 2-3 tháng rồi nghỉ, xong lại bổ sung tiếp.
Bổ sung nhiều sản phẩm chứa sắt cùng lúc
Nhiều cha mẹ có tâm lý bổ sung nhiều sản phẩm chứa sắt sẽ nhanh giúp trẻ nạp đủ lượng sắt cần thiết, từ đó, giúp trẻ khỏe mạnh hơn. Thế nhưng, điều này là hoàn toàn sai, bởi bổ sung “vô tội vạ” sẽ dẫn đến nguy cơ thừa sắt ở trẻ, gây ra các dấu hiệu như đau bụng, suy nhược cơ thể…, thậm chí gây ngộ độc hoặc hại gan, thận…
Vì vậy, mẹ không nên bổ sung nhiều sản phẩm sắt cùng lúc hoặc không nên bổ sung sắt từ nhiều nguồn khác nhau cho trẻ (ví dụ, các sản phẩm bổ sung, thực phẩm hàng ngày, thuốc sắt, sữa…). Thay vào đó, mẹ nên nắm được liều dùng phù hợp với trẻ và cân đối giữa các nguồn cung cấp sắt để đảm bảo lượng sắt nạp vào cơ thể trẻ không vượt quá mức quy định.
Có thể nói, sắt cần thiết đối với trẻ, nhưng cần phải bổ sung đúng cách, đúng liều lượng mới đem lại hiệu quả tối ưu nhất. Cha mẹ cần đặc biệt chú ý để không phạm phải 4 sai lầm kể trên, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.