Sữa có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của trẻ. Tuy nhiên, đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến thiếu máu thiếu sắt ở trẻ nếu uống quá nhiều.
Thiếu máu thiếu sắt – Tình trạng không chỉ của riêng trẻ nào
Ghi nhận tại BV Nhi đồng 1 (TPHCM), nhiều bé nhập viện trong tình xanh xao, nhợt nhạt, chậm tăng cân. Điển hình có bé Bin (5 tuổi, Thủ Đức, HCM) nhập viện trong tình trạng viêm hô hấp trên và không đáp ứng kháng sinh. Bé được xác định thiếu máu thiếu sắt. Gia đình bé chia sẻ cháu ăn uống đầy đủ, chế độ ăn nhiều thịt, cá. Tuy nhiên, bé uống nhiều sữa, mỗi ngày bé uống khoảng 1 lít sữa.
Thực tế, đây không chỉ là tình trạng của riêng gia đình bé Bin mà còn của nhiều gia đình khác. Theo nghiên cứu tại BV Nhi Đồng 1 năm 2018, có khoảng 82% trẻ trên 12 tháng tuổi bị thiếu máu thiếu sắt do uống hơn 600 ml sữa tươi/ngày. Đặc biệt, trẻ bị thừa cân béo phì cũng có thể bị thiếu sắt nếu uống sữa tươi quá nhiều.
Lý giải tình trạng này, các chuyên gia cho biết nhiều phụ huynh lầm tưởng sữa là nguồn dinh dưỡng chứa nhiều sắt, nên uống nhiều sữa sẽ bổ sung đầy đủ chất sắt cho trẻ. Thế nhưng, trên thực tế, sắt không có nhiều trong sữa, thậm chí, uống nhiều sữa sẽ khiến trẻ thấy no, không muốn ăn thêm, lâu ngày dẫn đến thiếu máu, thiếu sắt.
Hơn nữa, trong sữa có hàm lượng canxi và phospho cao, có thể làm cản trở quá trình hấp thu sắt. Do đó, việc bổ sung lượng sữa không phù hợp có thể kìm hãm việc hấp thu sắt tạo máu cho cơ thể.
Rõ ràng, sữa có thể coi là một nguyên nhân gián tiếp gây ra thiếu máu thiếu sắt ở trẻ. Tuy nhiên, đây cũng là nguồn dinh dưỡng cần thiết cho trẻ, do đó, cha mẹ cần bổ sung sữa cho trẻ đúng cách để không gây ra tình trạng thiếu máu thiếu sắt ở trẻ.
Cha mẹ nên bổ sung sắt trẻ như thế nào để tốt nhất và hiệu quả cho trẻ?
Các chuyên gia cho biết khi cho trẻ uống sữa không phải sữa mẹ, người lớn cần cho trẻ uống với lượng và loại sữa phù hợp theo độ tuổi.
Trong đó, cha mẹ cần phân biệt được sữa dùng nuôi trẻ và sữa uống thêm. Sữa dùng nuôi trẻ là sữa để cung cấp năng lượng và các vi chất cần thiết cho sự phát triển của trẻ. Còn sữa uống thêm là nguồn phụ cung cấp năng lượng cho trẻ, nhưng thức ăn từ chế độ dinh dưỡng hàng ngày vẫn là chính. Nếu bổ sung cho trẻ không đúng cách, trẻ sẽ không chỉ thiếu năng lượng, vi chất, mà còn chậm lên cân, rối loạn tiêu hóa.
Đối với trẻ dưới 1 tuổi, sữa là thức ăn chính nhưng sẽ giảm dần khi bé từ 7-9 tháng tuổi trở đi. Sau 2 tuổi, trẻ chỉ cần 500ml sữa/ngày và lượng sữa này là sữa uống thêm, thức ăn vẫn là nguồn dinh dưỡng chính. Do đó, cha mẹ lưu ý không cho trẻ uống quá nhiều sữa, cụ thể là không quá 500ml/ngày để tránh tình trạng chán ăn, biếng ăn, từ đó, dẫn đến thiếu sắt và các vi chất khác.
Trên thực tế, thiếu máu thiếu sắt là tình trạng rất phổ biến, do đó, nhiều cha mẹ lo lắng và tìm cách bổ sung sắt sớm cho trẻ. Tuy nhiên, mỗi trẻ đều có chế độ ăn, nhu cầu dinh dưỡng khác nhau. Đồng thời, việc bổ sung sắt cho trẻ vào thời điểm nào còn phụ thuộc vào việc trẻ sinh đủ hay thiếu tháng.
Đối với trẻ sinh đủ tháng và bú mẹ hoàn toàn thì 6 tháng đầu đời, trẻ sẽ nhận được đủ lượng sắt dự trữ từ cơ thể mẹ ở 3 tháng cuối thai kỳ. Do đó, giai đoạn này mẹ không cần quá lo lắng việc thiếu dư chất ở trẻ. Tuy nhiên, với trẻ sinh non hoặc không được bú mẹ hoàn toàn, thì mẹ bổ sung sắt để có thể truyền sang cho con qua sữa mẹ, hạn chế thiếu sắt, thiếu máu.
Từ 6 tháng trở đi, lượng sắt trong sữa mẹ không còn đủ để bổ sung cho trẻ. Lúc này, ngoài sữa mẹ, trẻ cần ăn dặm thêm bột ngọt, bột mặn, cháo… để bổ sung dinh dưỡng. Trẻ ở giai đoạn này cần chế độ ăn dặm cân bằng, đầy đủ 4 nhóm gồm đạm, chất béo, tinh bột, vitamin và khoáng chất, đặc biệt, bổ sung nguồn đạm từ động vật.
Trong trường hợp trẻ bị thiếu máu thiếu sắt, cha mẹ cần cho trẻ bổ sung các sản phẩm cung cấp sắt chuyên biệt, xổ giun định kỳ, đặc biệt là thay đổi chế độ ăn giàu sắt. Cha mẹ nên chọn thức ăn nhiều sắt, nhiều vitamin C và phải có cách chế biến phù hợp. Các thức ăn nên chọn như: thịt heo, bò, gà, cá, gan; ngũ cốc ăn sáng; bánh nhân thịt: pateso, bánh bao, há cảo, chả giò…; soup cua gà; bánh flan; đậu hủ nước đường; chè đậu, bánh nhân đậu; xà lách trứng, cá ngừ ngâm dầu, bông cải xanh. thì
Nếu nghi ngờ trẻ thiếu máu hay mắc bệnh lý, phụ huynh cần theo dõi và điều chỉnh chế độ ăn khoa học. Ngoài ra, phụ huynh có thể đưa trẻ đi khám định kỳ để xác định sớm tình trạng bệnh và đưa ra giải pháp hợp lý nhất cho trẻ.